Ngành gốm sứ xây dựng vẫn nhỏ lẻ, phân tán

Ngày đăng : 09/11/2018 - 9:19 PM

Thời gian gần đây, ngành gốm sứ xây dựng Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng nhanh về sản lượng và tiêu thụ. Tuy nhiên, sản xuất gốm sứ vẫn còn nhiều cơ sở quy mô nhỏ, quy trình chưa hợp lý.

 

Tạo đột phá trong tăng trưởng

TS Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (VLXD), Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay, sản lượng và tiêu thụ của ngành sản xuất gốm sứ xây dựng của Việt Nam đứng thứ 5 thế giới, sau Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Tây Ban Nha. Cả nước có 82 cơ sở đang sản xuất gạch gốm ceramic, granite và cotto với tổng công suất thiết kế 737,5 triệu m2/năm, trong đó gạch ceramic và gạch granite có 76 cơ sở sản xuất với công suất là 706,5 triệu m2/năm.


Nhiều cơ sở sản xuất gốm sứ xây dựng ở quy mô nhỏ lẻ, phân tán.

Năm 2017, xuất khẩu gạch ốp lát đạt khoảng 230 triệu USD và dự kiến tăng trưởng xuất khẩu khoảng 5 - 10%/năm. Đối với sản phẩm sứ vệ sinh, dự báo nhu cầu đến năm 2020 là 20,68 triệu sản phẩm. Đến nay, cả nước đã có 23 cơ sở sản xuất, với tổng công suất thiết kế 23,25 triệu sản phẩm/năm. Các nhà máy có công suất lớn có quy mô từ 600.000 sản phẩm/năm trở lên, song vẫn còn nhiều cơ sở với quy mô nhỏ (chỉ khoảng 100.000 sản phẩm/năm) ở vùng Tiền Hải - Thái Bình. Các công ty lớn sản xuất khoảng 85% công suất thiết kế. Tỷ lệ tiêu thụ so với sản lượng cũng tăng nhanh từ 79% vào năm 2011, tăng lên 86% vào năm 2017.

Đầu tư dây chuyền đồng bộ, hiện đại

Theo TS Thái Duy Sâm, Phó Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam, lĩnh vực sản xuất gốm sứ xây dựng của Việt Nam đã đạt được sự đột phá trong tăng trưởng cả về công suất và sản lượng thực tế. So với những năm 90 của thế kỷ trước, gạch gốm ốp lát đã tăng 700 lần về công suất và 500 lần về sản lượng thực tế, sứ vệ sinh tăng lần lượt là 270 lần và 350 lần. Nhờ đó đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và tham gia xuất khẩu. Có những sản phẩm như gạch ốp lát, sứ vệ sinh đã xuất đi gần 40 nước trên thế giới. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm VLXD chủ yếu năm 2017 đạt 1,67 tỷ USD. Tuy nhiên, nhìn chung, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm gốm sứ xây dựng vẫn chưa hết so với thực tế sản xuất, trong khi đó phần lớn các đơn vị sản xuất chưa vận hành hết công suất.

Bên cạnh những sản phẩm gốm sứ đã có thương hiệu trên thị trường, vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, phân tán, quy trình sản xuất chưa hợp lý. Điều này dẫn đến tình trạng khó đầu tư nâng cấp công nghệ sản xuất. Đối với những cơ sở sản xuất quy mô nhỏ cần phải quy hoạch tập trung lại để có thể đầu tư đổi mới dây chuyền đồng bộ hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời có thể quản lý được quy trình sản xuất và những vấn đề về môi trường, TS Thái Duy Sâm nói.

Theo các chuyên gia, ngành gốm sứ xây dựng Việt Nam đang đóng góp vào nền kinh tế quốc dân với doanh thu khoảng 3 tỷ USD/năm và hoàn toàn đủ điều kiện để phát triển ổn định trong nhiều năm tới. Để nâng cao hiệu quả hơn nữa, các nhà sản xuất cần đánh giá đúng năng lực cụ thể của đơn vị, cập nhật thiết bị, công nghệ đảm bảo sản xuất ngày càng tốt hơn, giá thành hạ hơn, đáp ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu. 

Ngành gốm sứ xây dựng vẫn nhỏ lẻ, phân tán