Gạch không nung: Nhu cầu sử dụng tăng dần qua từng năm
Ngày đăng : 09/11/2018 - 9:11 PM
Theo ông Thông, gạch không nung được sản xuất theo một dây chuyền đã cơ giới hóa, người lao động không phải tiếp xúc trực tiếp với nhiệt độ cao. Gạch nhẹ, có tính cách âm, cách nhiệt, do đó việc làm kết cấu móng, chịu lực, khung dầm giảm chi phí, từ đó giảm giá thành các công trình. Cùng với đó, gạch không nung sử dụng chất kết dính xi măng (tỷ lệ chiếm từ 8 – 10%), thành phần còn lại là đá mạt, sỉ… tức là các chất thải từ công nghiệp, góp phần giảm ô nhiễm môi trường.
Theo chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh sử dụng vật liệu không nung tại các công trình xây dựng, những năm qua nhiều DN đã mạnh dạn đầu tư dây chuyển sản xuất. Hiện Việt Nam, có hàng chục dây chuyền sản xuất gạch bê tông khí chưng áp, với công suất hàng tỷ viên quy tiêu chuẩn mỗi năm. Các nhà máy tại miền Nam đạt 90 – 100% công suất.
Trong khi, hầu hết các nhà máy tại miền Bắc chỉ đạt 20 – 60% công suất so với thiết kế. Việc xây cất các công trình ở miền Bắc vẫn chủ yếu bằng gạch đỏ, ít dùng gạch nhẹ. Gạch không nung có nhiều ưu điểm, nhất là thân thiện với môi trường.
Riêng tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên có khoảng 20 dây chuyền sản xuất gạch không nung, với hơn 1,5 tỷ viên/năm. Sản phẩm được thị trường chấp nhận, bước đầu tiêu thụ tốt.
Theo ông Trần Quang Thông, với chất lượng sản phẩm tốt, nhiều ưu điểm, đa dạng chủng loại kích cỡ, sản phẩm của DN được sử dụng trong các công trình trọng điểm của Đà Nẵng theo đúng Chỉ thị số 10/CT- TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 03/CT-UBND của UBND TP. Đà Nẵng về việc tăng cường sử dụng vật liệu không nung như Trung tâm thương mại Điện tử Bộ Công thương, Bệnh viện Đa khoa quận Hải Châu, Trung tâm điều dưỡng Người có công miền Trung, Sân bay Quốc tế Đà Nẵng, Chung cư cao cấp F.HOME, Trường THPT Phan Châu Trinh, Trường Đại học Sư phạm…
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện sản xuất và đưa vào sử dụng trong công trình còn gặp nhiều khó khăn.
Các DN hoạt động trong lĩnh vực này cho rằng, nguyên nhân chính là do công tác tuyên truyền vận động chủ đầu tư công trình sử dụng vật liệu xây dựng không nung còn yếu. Các DN trong lĩnh vực này còn nhiều khó khăn về vốn… Bên cạnh đó, ngành vật liệu xây dựng trong nước đang phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các sản phẩm nhập khẩu.
Theo ông Thông, DN sản xuất gạch không nung chưa được hưởng các ưu đãi khuyến khích về vốn vay, thuê đất, thuế dẫn đến giá bán so với gạch đất sét nung chưa tạo được lợi thế.
Ngoài ra, do các nhà đầu tư còn thiếu kinh nghiệm, nguồn vốn còn hạn chế, nên một số DN chỉ nhập các dây chuyền công nghệ với trình độ trung bình, thiếu đồng bộ. Một số nhà máy khác do chưa nắm hết kỹ thuật, các tính năng của sản phẩm nên công tác bảo quản khi lưu kho và vận chuyển chưa đúng quy trình ảnh hưởng đến chất lượng khi đưa vào công trình sử dụng.
Việc phát triển vật liệu xây dựng thân thiện môi trường, trong đó ưu tiên sử dụng gạch không nung là xu thế tất yếu. Đây là chủ trương lớn của Chính phủ trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nguồn đất công nghiệp, tăng chất lượng, hạ giá thành sản phẩm…
Thế nhưng, để thúc đẩy sử dụng vật liệu không nung phổ biến tại các công trình xây dựng, ông Trần Xuân Đính, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho rằng, cần quán triệt nghiêm túc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư của Bộ Xây dựng về sử dụng vật liệu không nung.
Cùng đó, cần có cơ chế đặc thù về điều kiện thuê đất xây dựng, đầu tư nhà máy, tạo điều kiện để DN mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất vật liệu không nung. Đồng thời, khuyến khích, ưu đãi đầu tư cho các đơn vị chế tạo thiết bị và sản xuất gạch không nung quy định trong chính sách của Chính phủ cần được hướng dẫn chi tiết, cụ thể, dễ áp dụng vào cuộc sống.